Đàn ukulele có lẽ chẳng còn xa lạ gì với chúng ta. Một cây đàn nhỏ nhắn với 4 dây nhưng vẫn có thể chơi được mọi bài nhạc một cách sinh động. Thế nhưng còn nhiều người chưa biết được ukulele được xuất phát từ đâu và tại sao nó lại có cái tên đó. Hôm nay mình sẽ cùng các bạn tìm hiểu về nguồn gốc của cây đàn này nhé
Đàn Ukulele phát âm theo tiếng anh là : “you ka ley ley” là một nhạc cụ có nguồn gốc từ Hawaii, đôi khi nó còn được gọi tắt là uke hay đôi khi là đàn Hawaii 4 dây. Tên gọi này xuất phát từ nguồn gốc cũng như đặc điểm cấu tạo của nó.
Lịch sử ra đời
Đàn Ukulele xuất hiện vào thế kỷ 18 như là một phiên bản Hawaii của Cavaquinho, Braguinha và Rajao (các loại đàn guitar nhỏ được những người nhập cư Bồ Đào Nha đưa đến Hawaii). Manuel Nunes, Augusto Dias và Jose do Espirito Santo, những người đã đến Hawaii trên tàu Ravenscrag vào năm 1879 từ quần đảo Madeira của Bồ Đào Nha được tin là những nhà sản xuất "Ukulele" Hawaii đầu tiên.
Sau khi đến Hawaii, đàn Ukulele đã nhanh chóng hòa nhập vào nền văn hóa Hawaii. Vua David Kalakaua đã rất yêu thích nhạc cụ này và chính Ngài đã thúc đẩy sự hợp nhất của loại hình nghệ thuật hiện đại với những khía cạnh truyền thống của văn hóa Hawaii để khơi dậy sự quan tâm đến văn hóa Hawaii. Ngài thường xuyên lựa chọn Ukulele là nhạc cụ biểu diễn trong các lễ hội và sự kiện lớn nhỏ của hoàng cung. Trong các buổi biểu diễn hoàng gia này, Ukulele chính thức được chọn để chơi cùng các nhạc cụ Hawaii truyền thống, hòa cùng vũ điệu Hula.
Đến khoảng những năm 1900, người Hawaii mới đưa loại nhạc cụ 4 dây nhỏ này giới thiệu với khán giả Mỹ. Đàn Ukulele đã gây ấn tượng đặc biệt với người Mỹ trong triển lãm quốc tế Thái Bình Dương Panama được tổ chức tại San Francisco vào những năm 1915.
Các nhà sản xuất đàn của Mỹ nhận thấy cơ hội trong việc sản xuất đàn Ukulele, từ đó các nhà sản xuất ở New York và các thành phố lớn của Mỹ đã bắt đầu sản xuất và quảng bá nhạc cụ này. Ukulele đã trở thành nhạc cụ bán chạy bậc nhất vào thời điểm đó do đàn Ukulele giá rẻ, nhỏ nhắn và dễ di chuyển.
Từ những năm 1930 đến những năm 1960 sức hút của đàn Ukulele trải qua nhiều thăng trầm và dần trở nên mờ nhạt với sự thâm nhập của nhạc Pop-Rock. Cho đến khoảng năm 1990 sức hút của Ukulele lại bắt đầu được hồi sinh.
Nhiều nước đã đưa đàn Ukulele vào các buổi biểu diễn, trong đó đáng chú ý nhất là Nhật Bản và Canada. Đàn Ukulele được đưa vào Nhật Bản từ những năm 1900, được nồng nhiệt chào đón cùng với nhạc Hawaii và nhạc Jazz. Trong khi các nhạc cụ “Phương Tây” bị cấm trong chiến tranh thế giới thứ hai thì Ukulele lại trở thành một nhạc cụ rất được ưa chuộng sau chiến tranh và cho đến tận bây giờ.
Mặc dù ukulele vẫn gắn liền với âm nhạc và văn hóa Hawaii truyền thống, sự phát triển các loại ukulele khác nhau đã dẫn đến sự phổ biến của nhạc cụ này trong nhiều thể loại âm nhạc khác nhau. Trong 20 năm qua, sự hồi sinh của ukulele đã duy trì, với một số lượng người chơi khổng lồ vào thiên niên kỉ mới.
Tại Việt Nam những năm gần đây, ukulele được đón nhận nồng nhiệt và rộng rãi từ các bạn nhỏ, học sinh, sinh viên trong các câu lạc bộ đến những nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp.